Giới thiệu chung về huyện Trực Ninh
Trực Ninh là phần phía nam huyện Nam Chân xưa; huyện Nam
Chân là một trong 4 huyện thuộc phủ Thiên Trường- từ thời nhà
Trần, thời thuộc Minh đổi thành phủ Phụng Hoá, nhà Lê lấy lại tên cũ Thiên Trường, đến năm 1682 thời Lê Trung Hưng
đổi thành Nam Chân. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833) chia huyện Nam Chân thành hai
huyện Nam Chân và Chân Ninh. Thời vua Tự
Đức đổi làm Xuân
Trường. Thời kỳ Thành Thái đổi Chân Ninh thành Trực Ninh.
Khi mới thành lập (1833) huyện Chân Ninh gồm 6 tổng của
huyện Nam Chân cũ là Duyên Hưng Hạ, Kim Giả, Phương Để, Quần Lãng, Thần Khê,
Trung Lao và tổng Ninh Nhất mới hình thành, tương đương với huyện Trực Ninh và
một phần phía tây huyện Hải Hậu ngày nay. Thời Tự Đức gồm 7 tổng, 62 xã, thôn,
trang; cuối thế kỷ 19 còn 52 xã, thôn do cắt một số xã lập huyện Hải Hậu.
Đầu thế
kỷ 20 huyện Trực
Ninh gồm 7 tổng với 52 xã, thôn.
Các tổng thuộc huyện Trực Ninh vào cuối thế kỷ 19 và đầu
thế kỷ 20, như sau: Duyên Hưng Hạ, Giả Thượng, Kim Giả, Ngọc Giả, Ninh Cường,
Phương Để, Quần Lãng, Thần Khê.
Sau Cách mạng Tháng Tám, huyện Trực Ninh thành lập các xã mới,
trên cơ sở sáp nhập nhiều xã, làng cũ và đặt tên mới, gồm 27 xã: Trực Bình,
Trực Cát, Trực Chính, Trực Cường, Trực Đại, Trực Đạo, Trực Định, Trực Đông,
Trực Hải, Trực Hùng, Trực Hưng, Trực Khang, Trực Liêm, Trực Mỹ, Trực Nghĩa,
Trực Nội, Trực Phú, Trực Phương, Trực Thái, Trực Thắng, Trực Thanh, Trực Thành,
Trực Thuận, Trực Tiến, Trực Tĩnh, Trực Trung, Trực Tuấn.
Năm 1971, hợp nhất xã Trực Liêm và xã Trực Hải thành xã
Liêm Hải.
Ngày 18-12-1976, hợp nhất xã Trực Trung và xã Trực Đông
thành xã Trung Đông; hợp nhất xã Trực Đại và xã Trực Tiến thành xã Trực Đại.
Ngày 23-2-1977, hợp nhất xã Trực Bình và xã Trực Tĩnh thành
xã Việt Hùng.
Ngày 27-3-1978, hợp nhất xã Trực Cát và xã Trực Thành thành
xã Cát Thành; hợp nhất xã Trực Phương và xã Trực Định thành xã Phương Định; hợp
nhất xã Trực Chính và xã Trực Nghĩa thành xã Chính Nghĩa.
Ngày 10-1-1984, chia xã Chính Nghĩa thành 2 đơn vị hành
chính lấy tên là xã Trực Chính và thị trấn Cổ Lễ (xã Trực Nghĩa cũ).
Địa giới hành chính và tên gọi các xã tiếp tục có sự điều
chỉnh trong những thập kỷ cuối thế kỷ 20. Năm 1968, Trực Ninh nhập với Nam Trực
thành huyện Nam Ninh thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Đến ngày 01/4/1997, thì tách ra
thành 2 huyện như cũ theo Nghị định 19-CP của Chính phủ, huyện Trực Ninh thuộc
tỉnh Nam Định.
Ngày 31-3-2006, chuyển xã Cát Thành thành thị trấn Cát
Thành.
Ngày 13-12-2017, chuyển xã Trực Phú thành thị trấn Ninh
Cường
Huyện Trực Ninh ngày nay nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Nam Định;
diện tích tự nhiên 14.395,4 ha; dân số 178.103 người. Huyện có 21
đơn vị hành chính, gồm 18 xã: Liêm Hải, Phương Định, Trực Chính, Trực Cường, Trực Đại, Trực Đạo, Trực Hùng, Trực Khang, Trực Nội, Trực Thái, Trực Thắng, Trực Hưng, Trực Mỹ, Trực Thanh, Trực Thuận, Trực Tuấn, Trung Đông, Việt Hùng và 3 thị trấn: Cát Thành, Cổ Lễ , Ninh Cường; thị trấn Cổ Lễ là trung tâm chính trị,
kinh tế, văn hóa của huyện.
Vị trí địa lý:
Phía Bắc giáp huyện Nam Trực và tỉnh Thái Bình, lấy sông Hồng làm ranh giới;
phía Nam giáp huyện Hải Hậu; phía Đông giáp huyện Xuân Trường; phía Tây giáp
huyện Nghĩa Hưng. Với địa thế có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua, như:
Quốc lộ 21, 21B, 37B; tỉnh lộ 490C, 487, 488B, là điều kiện thuận lợi để huyện
phát triển các ngành dịch vụ, thương mại. Sông Hồng, sông Ninh Cơ là những mạch giao thông thủy quan trọng,
thuận lợi cho Trực Ninh trong việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa, giao lưu kinh
tế với các địa bàn khác trong và
ngoài tỉnh.
Đặc điểm địa hình: Huyện Trực Ninh có
2 tiểu vùng rõ rệt là vùng Bắc và vùng Nam. Vùng Bắc ở Tây Bắc sông Ninh Cơ gồm
13 xã và 2 thị trấn (Cổ Lễ, Cát Thành) địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam. Vùng
Nam nằm phía Tây Nam sông Ninh Cơ, gồm 6 xã ven Quốc lộ 37B, địa hình khá bằng
phẳng, nghiêng đều về phía Nam.
Thuỷ
văn: Đất đai của huyện nằm ven sông Hồng và 2 bên sông Ninh cơ, được bao
bọc bởi 6,3 Km đê sông Hồng và 37 Km đê tả, hữu sông Ninh cơ; đất đai màu mỡ có
tiềm năng về sản xuất nông nghiệp. Nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng
trực tiếp của lũ, bão và thuỷ triều; Mật độ kênh mương nội đồng khá dày, trung
bình 0,7- 0,9 Km/km2 nguồn nước tưới tiêu thuận tiện.
Nguồn
nước mặt do sông Hồng và Sông Ninh Cơ cung cấp dồi dào, vùng hạ lưu sông Ninh
Cơ bị ảnh hưởng nước mặn. Lượng mưa bình quân hàng năm 1.500- 1.800 mm. Nguồn
nước ngầm phong phú có thể khai thác tới độ sâu 120- 200 m. Lượng phù sa
bồi đắp hàng năm, cùng với hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh cũng là điều
kiện tốt để Trực Ninh phát
triển nông nghiệp, là một trong những huyện trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh.
Văn hoá- xã hội: Huyện Trực Ninh có truyền thống văn hoá, cách mạng; nhân dân lao
động cần cù, sáng tạo; Nhân dân và cán bộ 14 xã, thị trấn và nhân dân và cán bộ
huyện Trực Ninh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ
kháng chiến chống Thực dân Pháp; nhân dân và cán bộ huyện Trực Ninh được tặng
thưởng Huân chương lao động Hạng ba năm 2012 và Huân chương lao động hạng Nhì
năm 2016; huyện có hàng trăm đền chùa, nhà thờ và nhiều công trình kiến trúc
cố, trong đó có 12 công trình được Bộ Văn hoá và UBND tỉnh xếp hạng di tích
lịch sử, văn hoá; Có nghệ thuật hát chầu văn, múa rối, hát chèo ... Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư phát
triển, các thôn, làng đã xây dựng và triển khai thực hiện quy ước nếp sống văn
hoá; phong trào xây dựng gia đình hoà thuận, chung sức làm giàu chính đáng phấn
đấu trở thành gia đình văn hoá phát triển mạnh.
Phong trào khuyến học khuyến
tài phát triển mạnh, những năm gần đây, ngành giáo dục đào tạo của huyện liên
tục xếp tốp đầu tỉnh.
Cán
bộ đảng viên và nhân dân trong huyện đoàn kết, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo
của Đảng, chính quyền các cấp, tích cực thi đua lao động, học tập và công tác,
đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm, không còn hộ
đói. Nhân dân tích cực hưởng ứng đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công
trình cơ sở hạ tầng điện, đường giao thông, trường học, trạm Y tế ...
Huyện
Trực Ninh được Thủ tướng Chính phủ Công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2017, theo
Quyết định số 196/QĐ-TTg ngày 09/02/2018.